Xem trên Mobile
Thay đất cho cây Đỗ quyên Đăng ngày 31 - 01 - 2021

Thay đất cho đỗ quyên, chuẩn bị đợt hoa vào tháng 5, tháng hoa kính Đức Mẹ.
Rất nhiều bạn đã yêu cầu tôi chia sẻ về cách thay đất cho đỗ quyên để có hoa đạt tiêu chuẩn - hoa phủ tán lá. Vậy nhân tiện hôm nay tôi làm cây Korin này, ghi lại vài hình ảnh để các bạn tham khảo.
Không có gì đặc biệt trong việc thay đất cho đỗ quyên, chỉ có vài mẫu chốt cần lưu ý.

18/1/2021 - cây trước khi thay đất

18/1/2021 - cây sau khi thay đất

Bẻ bướm khoá lưới lót lỗ thoát nước

Lưới lót lỗ và luồn dây cột cố định cây đã sẵn sàng trước khi lấy cây ra chậu cũ
1. Đỗ quyên là loài ưa môi trường đất có acid cao (độ chua) nên tôi dùng đất kanuma. Các bạn không cần thiết phải dùng kanuma nếu khả năng không cho phép, tuy nhiên việc chăm sóc sau này sẽ cực hơn vì cần phải thăm dò pH trong đất, nước và phân. Nếu có kanuma thì công đoạn này sẽ nhàn hơn.

Đất kanuma cỡ hạt lớn

Sàng bụi đất kanuma để không bị nghẹt nước hoặc quá ẩm
2. Rễ đỗ quyên rất dòn và nhỏ (rễ tơ) nên phải cẩn thận khi lấy đất cũ. Và vì là loài cây có đặc tính dùng hết mọi sinh lực để đơm hoa cho dù yếu hay mạnh, nên cây sẽ yếu dần nếu bộ rễ không mạnh. Và để nuôi bộ rễ mạnh cho cây trường tồn thì tôi đặt nền tảng vào shin. Shin là những khối rễ nằm dưới gốc đan chằng chịt vào nhau. Và để làm được shin kiên cố tôi dùng cách ngược lại với thông tùng... là chỉ bới đất trên mặt và vòng quanh thành chậu, phía dưới tôi chỉ cắt gọn.

Móc vòng quanh thành chậu để lấy cây ra

Cây đã được lấy ra khỏi chậu cũ

Dùng đũa bới trên mặt để lấy bỏ những đất cũ quá ẩm

Không vô lọt chậu mới vì cọng rễ lớn này

Cắt bỏ cọng rễ lớn để vô lọt chậu

Bôi keo vá vết cắt lớn
3. Do đất kanuma nhẹ và xốp, nên ở đáy chậu tôi rải một lớp mỏng đá pumice để tạo thành nền móng giúp đất kanuma không bị bể lát do độ nặng của cây cũng như giúp không bị đóng mùn cho việc thoát nước sau này.

Rải một lớp đá pumice để không bị đóng mùn ở các lỗ thoát nước

Đất kanuma đã lấp thành núi

Dùng đũa đưa những hạt kanuma vào mọi góc cạnh của rễ. Nếu nén không kỹ, còn kẽ hở đất kanuma dễ ra thành mùn. Vì vậy nén cho kỹ để những viên đất đan vào nhau thành những bức tường kiên cỗ thì khó rã hơn

Gõ thành chậu cho đất nén đều xuống

Rải một lớp kanuma hạt nhỏ trên mặt chậu để giữ ẩm

Dùng chổi cáng cho đất bằng phẳng

Đất lúc nào cũng phải thấp hơn thành chậu vài mm để không bị trôi đi

Tưới cho kỹ để rửa hết bụi bặm cho cây

Dớn giữ ẩm cho cây

Vì cây mới thay chậu, cần phải đắp dớn để giữ ẩm vào những hôm có gió. Một hai tháng sau sẽ lấy bỏ
4. Đỗ quyên có thể thay chậu vào 2 mùa, nhưng chỉ làm được một lần. Vào mùa Xuân trước khi bông nở hoăc sau khi bông tàn. Và khi thay chậu không được bón bất kỳ một loại phân thuốc gì cho dù là thuốc kích rễ. Vì biết đâu những hoá chất này làm biến đổi môi trường pH trong chậu. Nếu tốt thì dùng nước mưa hoặc nước máy bơm qua đêm và bỏ vào 5ml dấm cho có chút acid rồi tưới cho cây (nếu nguồn nước của bạn quá cứng).
5. Sau khi thay chậu được một tháng thì bón phân. Đây là khâu thành bại trong việc ra bông sau này. Vì đã nói là đỗ quyên hảo chua (acid) nên phân bón phải bảo đảm không làm thay đổi pH. Đa phần các loại phân hoá học sẽ thay đổi pH. Vì vậy tôi dùng phân hữu cơ gồm những thành phần chua. Đừng bao giờ bón phân chuồng. Cây sẽ cần độ chua và dinh dưỡng để tụ nụ, và nụ sẽ nằm ở đó 7 tháng hoặc hơn (dùng tay bóp nhẹ chồi sẽ biết). Nếu cây suy dinh dưỡng thì nụ không đều thì sẽ có chuyện bông nở lác đác - bông không phủ tán. Hoặc không đủ độ chua (pH quá cao) thì cây sinh đủ thứ bịnh, chẳng hạn như nụ bông bị khô hay rụng... vv. Bởi thế trồng một cây đỗ quyên sống không khó, nhưng khó ở chỗ là cho cây ra bông phủ tán lá.
6. Với tôi sẽ không có chuyện chơi một năm nghỉ một năm như một vài người. Vì thế quá trình cho bông phủ tán mỗi năm cần phải chuẩn bị. Và những hình ảnh dưới là một trong những quá trình có thể làm để bảo đảm không có một lý do gì ảnh hưởng đến mục đích cho bông phủ tán. Bẻ bướm, luồng dây cột cố định, sàng đất, làm rễ, phủ dớn giữ ẩm... vv. Những thứ này với một số người dường như không cần thiết, nhưng với tôi thì lại quan niệm rằng...
Đất trong chậu có ai nhìn thấy, thì cần gì chỉnh chu đẹp đẽ. Nhưng ngay cả việc nhỏ đó mà không làm được, thì tạo một tác phẩm chắc khó hơn nhiều.

Tác giả: facebooker Uan Ha  

© Copyright 2015 - dongbonsai.com

Địa chỉ: 92 Hùng Vương, Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0988 844 225 / 0996 282 999
Email: dongnpvp@gmail.com