Xem trên Mobile
Phân bón cho bonsai Đăng ngày 25 - 02 - 2021

Phân
Hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt." (Ga 12,24).
Ông bà ta từ ngàn xưa có câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống... bởi các cụ thời bấy giờ cho rằng ruộng đất phải bảo đảm đầy đủ nước, phân bón cần phải đúng loại và đúng thời điểm, kế đến là chuyên cần chăm bón, và cuối cùng là giống tốt sẽ cho trái tốt. Nhưng ngày này chúng ta trồng cây trong chậu, hoặc trong bonsai thì tôi thiết nghĩ nên xếp lại thành; Nhất đất, nhì phần, tam cần, tứ giống.
Đất là yếu tố quan trọng trong việc nuôi trồng cây trong chậu. Đất phải đủ độ ẩm (retain water), đất phải thông thoát (aeration), đất phải dung chứa dinh dưỡng (nutrients), đất phải có không gian cho rễ phát triển, và cuối cùng đất phải cân bằng môi trường pH theo đặc tính của cây. Chẳng như bạn mang cây hảo chua (acid) mà trồng vào đất có chất kiềm (alkaline) thì kể như hỏng việc. Không đùa đâu, tôi chứng kiến nhiều tác phẩm Đỗ Quyên tuyệt đẹp bị yếu và chết cũng vì chủ nhân đã bất cẩn dùng đất không đạt độ chua.
Chúng ta trồng cây trong chậu, chúng ta luôn nghĩ đến cái chậu bé thế kia thì làm sao đủ nước cho cây uống, thế nên chúng ta cố nhét vào những thứ và cho rằng sẽ đủ nước hoặc lâu lâu có làm biếng nghỉ tưới vài hôm cũng chẳng sao. Điều này cũng dễ hiểu, vì ít ra cây không chết nếu đất quá ẩm. Nhưng đất quá ẩm thường thì thiếu thông thoáng... vì ẩm nhiều thì ít khí, nếu không khí thiếu thì rễ khó phát triển, thì cây còi lại. Và khi ta thấy cây còi thì mang phân vô bón hòng cứu vớt... nhưng ai ngờ cây chẳng lớn lên được mà chết đi... tại sao vậy kìa?
Thưa rằng trong phân bón, luôn có một khoáng chất giúp phân hòa thành tinh bột để cây ăn được, và khoáng chất đó là muối. Muối đây không phải là muối ăn, mà là muối khoáng cho việc hòa tan. Khi bón phân, đất không thoáng để rửa trôi muối đi, muối đọng lại trong đất, bám vào rễ, khi nhiệt độ tăng lên muối sẽ rất nóng, nóng đến độ luộc cả rễ cây, chưa nói đến muối sẽ hut nước trong đất và rễ, rễ mất nước khô lại thì chết... đó gọi là cháy rễ.

Phân hữu cơ dạng viên nén được đựng trong túi lọc để giữ ẩm và tránh mùn phân rã làm nghẹt đất

Phân hữu cơ dạng viên nén được đựng trong giỏ nhựa giúp phân không bị trôi khi tưới và không bị động vật tha mất

Nếu ai từng theo dõi quá trình nuôi trồng của tôi thì đều biết tôi dùng phân khá mạnh, nhưng chẳng có việc chết cây do bón phân quá mức. Vì tôi đã cẩn thẩn trộn đất thích hợp với qui trình của từng loại và giai đoạn của cây. Và nói tới đây, bạn đã hiểu tại sao tôi đổi “Đất” lên đầu: Nhất đất, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Đối với tôi không phân tốt hay phân dổm. Nếu có thì do ban đã không hiểu về phân. Vậy tôi xin chia sẻ về phân như sau. Tôi xin được chia phân ra thành hai loại; phân nhanh và phân chậm. Phân nhanh, là phân bón cho cây hôm trước hôm sau cây ăn được, thường những loại phần này là phân hóa học (nước) hoặc hòa nước (bột). Phân chậm là phân cần phải có thời gian ủ để phân hủy thành tinh bột trước khi cây ăn được... những loại phân này thường là phân hữu cơ.
Tuy nhiên phân hữu cơ cũng có nhiều loại; loại ủ rồi hoặc chưa ủ. Này nhé, nếu bạn cứ mang rau quả dư thừa bằm nát ra rồi bón cho cây thì nó chẳng thể ăn được ngay, nhưng khi những thứ bạn bằm ra đó gặp nắng, nước, gió và nhiệt độ thì nó sẽ thúi đi, vi sinh sẽ tái sinh và khuẩn căn sẽ phát triển, rồi ngày qua ngày lục diệp tố của lá cây hấp thụ năng lượng mặt trời chuyển xuống biến nó thành tinh bột thì cây mới ăn được. Bởi thế trong sách Gioan 2 ngàn năm trước có câu; nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chẳng thể đâm mầm nảy chồi cho được.
Thành thử khi bạn bón phân, bạn cũng cần phải biết loại phân bạn dùng có thời gian phân hủy là bao lâu. Vì tôi chứng kiến nhiều người bỏ tiền ra mua những túi phân rất mắc, về bón cho cây, 1-2 tuần chẳng thấy cây tiến triển gì thì chê là phân dổm. Phân chẳng dổm đâu, mà tại bạn làm biếng tìm hiểu đó thôi. Ví dụ như phân Cottonseed (hạt vải) và Rapeseed (bông cải) là những loại phân khá ưa chuộng trong bonsai, nhưng Cottonseed có thời gian phân hủy là 1-3 tháng (tùy theo nhiệt độ), Rapeseed là 3-6 tuần. Nhưng phân hữu cơ cũng có loại phân hủy nhanh, như phân BioGold, phân Green King, và phân Green Dream. Những loại phân này đã được ủ sẵn nên khi bón cho cây, gặp ấm và ẩm thì cây ăn được ngay. Cũng vì vậy mà những loại phân này mắc hơn.
Như nói ở trên, phân hóa học thường là phân nhanh, nhưng cũng có loại ép nhanh thành chậm. Chẳng như những hạt phân xanh, hạt phân Osmocote đã được bào chế để nhả phân theo lượng thời gian nhất định nào đó. Tuy nói là như vậy, nhưng chẳng dễ chút nào khi áp dụng, rất nhiều bạn của tôi đã bị mất nhiều cây cũng vì bón những loại phân này. Một số loại phân hóa học đã làm thành viên (như hạt tiêu), ở ngoài bọc một lớp vỏ (coated) để khi gặp nước hoặc nhiệt độ thì sẽ nở ra để nhả một tí phân cho cây. Nhưng lớp vỏ này được bào chế đặc biệt theo các hãng phân, có hãng dùng bột, và có hãng dùng da heo. Nhưng cái khổ ở chỗ là lớp vỏ này gặp nước sẽ hòa tan (một chút), nhưng có ai ngờ vào hôm trời nóng, hơi nước bốc lên lớp vỏ vỡ ra thế là cả viên phân được thoát ra, do điều lượng quá cao và khi gặp nắng thì nó rất nóng, luộc rễ tại chỗ.
Ngày nay tôi dùng phân rất đa dạng, tôi không quan trọng về nhãn hiệu mà hễ cứ rẻ là tôi mua về dùng. Phân cá, phân nước, phân khô, phân hữu cỡ hay hóa học đều dùng, ngay cả phân cho lan (thường có nồng độ npk là 20) tôi cũng dùng. Thậm chí tôi còn mua nhiều loại phân khác nhau về trộn đều vo thành viên (cake) bón cho cây. Vì mỗi khi bón phân tôi đều tính toán kỹ và xem mục đích là gì, chứ không phải nghe ai mách gì mua đó. Khi bón phân, tôi nêu ra vài điểm để áp dụng cho hiệu quả:
1. Bón châm ngòi là cách tôi hay dùng đầu mùa phát triển để đánh thức cây sau những tháng ngủ đông. Mục đích này nhằm tạo cho đất có nhiều mầu mỡ hơn, vì thường đất tôi dùng là giá thể vô cơ thành thử các khuẩn căn (microorganisms) là con số không, nên tôi sẽ dùng loại phân có thể tái tạo vi khuẩn nhanh nhất. Nếu bạn nào chơi thông (pine) thì đều biết, muốn nuôi cây thông mạnh thì phải biết nuôi nấm (rễ), nên việc tạo cho đất đủ mầu mỡ để vi sinh khởi động là một việc không đơn giản chút nào. Loại phân tôi dùng cho việc này thường là phân hữu cỡ ủ sẵn như BioGold, Phân cá (nước), Green King, Green dream...v.v.

Phân Biogold

Phân hoá học Dyna grow

Phân Green King

Phân hữu cơ

Phân Rapeseed

Phân Blood Meal

Phân Dr.Earth

Phân Cottonseed

Phân Kelpmeal

Phân Bone Meal

2. Bón nuôi thân cành đạt kích cỡ. Đây là cách nhồi phân của tôi để nuôi một cây phát triển tối đa.Tôi dùng cả phân nhanh và phân chậm. Phân nhanh tôi bón mỗi tuần 1 lần với 100% nồng độ, thường tôi dùng là bất kỳ loài phân hóa học nào có NPK dưới 10. Và để bảo đảm không bị muối đóng lại, tôi sẽ bón phân vào Thứ Hai mỗi tuần, ngày nào cũng tưới nước cho dù nắng hay mưa. Và như vậy thì mỗi ngày muối sẽ được rửa đi một chút, sau 7 ngày bón lại sẽ không đáng ngại, nhưng với điều kiệt đất phải đủ thoát. Song song việc bón phân nhanh, tôi bón thêm phân chậm mỗi 4 tuần một lần. Và tùy vào đặc tính của cây mà tôi chọn phân chậm để không ảnh hưởng môi trường đất (pH). Ví dụ như thông và tùng tôi sẽ dùng loại phân có một chút chua, hoặc đỗ quyên sẽ dùng phân rất chua. Và việc này còn lệ thuộc vào loại phân nào có sẵn, ví dụ nếu gặp giá rẻ, tôi sẽ mua mỗi thứ một bao về trộn lại vo thành viên bón cho cây. (xem hình cách làm phân viên của tôi).

Bột để làm viên phân cho dính

Trộn đều các loại phân theo tỷ lệ

Nhồi với nước

Vo thành viên

Phơi khô

3. Bón theo thời điểm. Đây là cách bón cần chuẩn mực để đạt mục đích, cách bón này chia làm 2 loại. Ví dụ như thông trắng, thường thì mỗi năm cây chỉ phát chồi một lần nên lá và lóng (internode) cần phải ngắn, nhưng cây cũng cần phải bung chồi mạnh, thế nên vào chớm Xuân tôi bón phân nhanh (Dyna Gro 7-9-5), bón mỗi tuần và quan sát chồi, một khi chồi chuẩn bị nhú ra (elongate) thì tôi ngừng và rửa phân, nếu không thì lá và lóng sẽ rất dài. Cách rửa phân là dùng loại thuốc tưới vô gốc để rút đi hết dinh dưỡng trong đất. Khi cây đã bung chồi đâm lá và lá trưởng thành (mature) thì tôi lại nhồi phân để chuẩn bị cho mùa phát triển kế tiếp, thường là cuối Hè tới giáp Đông.
Hoặc với Đỗ Quyên, tôi sẽ bón một lượng phân nhẹ để cho cây đủ sức ra bông vào tháng 5, và sau mùa bông tôi sẽ bón dài hạn tới cuối Thu. Với những cây hoa Mơ, Mộc Qua, hoa Mận tôi sẽ bón phân nhanh một lần vào mùa Xuân, để cây có sức bung chồi. và sau đó sẽ ngừng, mục đích tôi muốn lóng; khoảng cách giữa mỗi mắt lá không quá dài. Cho tới khi tược đổi màu từ xanh sang nâu thì tôi bón thúc.
Nói chung, phân bón rất đa dạng và nhiều mục đích khác nhau. Nhưng để có hiệu quả (tác động của phân) thì bạn cần phải lưu ý vài điểm; Đất trồng cần phải đủ thoáng và ẩm. Và tùy vào loại phân bón mà áp dụng đúng cách. Chẳng như phân chậm, đa phần là hữu cơ thì cần phải có thời gian ủ, mà cách ủ còn lệ thuộc vào cách bón. Bạn mang cottonseed hay rapeseed mà rải trên mặt chậu thì kể như vô dụng, vì sau khi tưới nước gặp nắng thì nó khô rang, thiếu ẩm thì phân chẳng thể phân hủy. Thành thử bạn phải vo thành viên (cake) để ẩm lâu hơn, hoặc bỏ vào bao trà để nó giữ ẩm. Thậm chí một vài người bạn còn bỏ thêm vào túi trà một chút dớn hay đất để phân ủ ẩm dài hơn. Vì bạn phải nhớ rằng, hạt lúa không thúi đi, nó chẳng thể nẩy mầm đâm chồi.
Chúc các bạn vui vẻ.

Tác giả: Facebooker Uan Ha  

© Copyright 2015 - dongbonsai.com

Địa chỉ: 92 Hùng Vương, Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0988 844 225 / 0996 282 999
Email: dongnpvp@gmail.com