Đỗ Quyên – Hoa của Nghĩa Phu Thê
Ân nghĩa vợ chồng luôn là vẻ đẹp truyền thống trong lối sống của người phương Đông. Bởi thế trong văn hoá Việt, chúng ta thường gặp những truyền thuyết giai thoại mô tả về nghĩa phu thê như nàng Tô Thị hoá đá đợi chồng, anh em họ Cao hoá thảo thạch để trọn nghĩa trong tích Trầu Cau. Bởi trong Phật gia có câu “phu thê chi ân”, há không phải đã nói hôn nhân gắn kết yêu thương vẫn chưa đủ, mà giữa vợ chồng còn có cái gọi là nghĩa, nhưng sâu sắc hơn nó còn là cái ân. Và trong Bonsai cũng vậy, có một loài hoa mang truyền thuyết về tình cảm cao đẹp ấy: mang sắc thái khắc khoải đợi trờ, mang hy vọng và tình nghĩa phu thê để ca ngợi cái ân sâu nghĩa nặng, tình cảm thuỷ chung sắc son, hòng góp phần vào cuộc chơi thêm nhiều ý nghĩa và thú vị.
Sách xưa kể rằng, trong một khu làng nhỏ, có đôi vợ chồng nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Ngày ngày người chồng vào rừng đốn củi và săn bắn để sinh sống. Bỗng một hôm đợi mãi chẳng thấy về. Người vợ quyết định khăn gói lên đường đi tìm chồng, lúc sáng người vợ ra đi, buổi tối hôm đó người chồng quay về.
Ngày qua ngày, cứ đi mãi, nàng gọi tên chồng trong nỗi thống thiết, nhưng đâu đó chỉ là tiếng vang vọng của núi rừng đáp trả. Nàng vẫn cứ đi, vẫn cứ gọi, cho tới khi không còn sức, gục ngã mà chết bên tảng đá ven đường. Linh hồn nàng vẫn quanh quẩn đâu đấy để gọi chồng, xác nàng phân huỷ theo thời gian, không lâu sau cạnh đó mọc lên một cây có hoa vô cùng đẹp. Người đi đường thấy tình cảnh đó, đã đặt tên cho loài hoa này là Đỗ, với ý là “đợi”.
Nhắc lại người chồng, khi về nhà không thấy vợ đâu, nên chàng cũng khăn gói lên đường tìm nàng. Đi mãi rồi kiệt sức ngục trên tảng đá mà người vợ đã chết trước kia. Người chồng hoá kiếp thành một loài chim, loài chim này sống đơn độc một mình, nhưng khi cất tiếng hót vào hoàng hôn, rất ai oán kêu than, tuyệt vọng. Chim này được người trong vùng đặt tên là Quyên, vì với thổ âm của họ thì ý là “Quên”.
Chẳng hiểu từ khi nào mà loài hoa này được gọi là Đỗ Quyên, nhưng… Ôi! nó cũng là mục đích tốt, để tưởng nhớ cho nỗi khắc khoải đợi chờ của người vợ và tiếng gọi thiết tha mà người chồng cất lên trong không gian xa thẳm… một mối tình chung thuỷ.
Đỗ Quyên - Hoa Phủ Tán Lá
Đỗ Quyên có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ theo vùng miền, nhưng trong Bonsai khi nói đến Đỗ Quyên là nói đến “chi” Đỗ Quyên (Rhododendron), là một chi trong họ Thạch nam (Ericaceae). Nên nhớ rằng, dân Bonsai phải đặt nền tảng giống nòi trên bảng phân loại: Loài (species), Chi (genus), Tông (tribus), Họ (familia), Bộ (ordo), Giới (regnum). Thế nên như đã nói Đỗ Quyên là một Chi, dưới Chi là Loài… vậy có nghĩa là Đỗ Quyên có rất nhiều loài, mà cá nhân tôi tạm gọi là chủng.
Theo tài liệu thì Đỗ Quyên có trên 10,000 loại bông bao gồm trong khoảng 800 chủng. Mỗi chủng đều có đặc tính dựa theo vùng miền khác nhau; có cây ra hoa sớm cũng có cây ra hoa muộn. Tuy nhiên Đỗ Quyên ra hoa từ chớm Xuân tới Hè, thế nên đừng lầm tưởng với Satsuki là một chủng Đỗ Quyên của Nhật Bản được ưa chuộng trong Bonsai, mà chữ “Satsuki” có nghĩa là con trăng thứ 5, ý là bông sẽ nở vào tháng 5-6.
Sở dĩ Satsuki được phổ biến vì là kết tinh của nhiều năm chọn lựa lai giống, đạt những yếu tố Bonsai; chẳng như lá nhỏ, màu bông sặc sỡ, kiểu bông đẹp và thích hợp môi trường sống trong chậu. Tuy là nói như vậy, nhưng Satsuki cũng có chủng mạnh và yếu, có cây ra bông sớm và muộn.
Tôi là người Công Giáo, trong đạo chúng tôi dành trọn vẹn tháng 5 để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, còn gọi là tháng Hoa. Nên tôi đã chọn những loài Satsuki có thể ra bông từ cuối tháng 4 cho đến tháng 6. Theo lẽ thì hoa Đỗ Quyên nếu giữ kỹ sẽ duy trì được 3-4 tuần, nhưng do yêu cầu cá nhân, tôi chỉ chơi bông 2 tuần… nghĩa là mỗi chậu Satsuki của tôi đều đã được chọn lựa để cho ra bông xen kẽ cách nhau 2 tuần, để có bông rực rỡ dâng kính cho Đức Mẹ trọn tháng 5.
Thế còn bạn, bạn chơi Đỗ Quyên với yêu cầu gì? Bạn chỉ đơn thuần ngắm bông, mong có bông chơi Tết hoặc ngày trọng đại nào đó? Nếu vậy, thì bạn phải chọn cho đúng chủng Đỗ Quyên có thể cho bông vào thời điểm bạn muốn. Chứ không phải vớ đại một chậu Satsuki rồi ép nó ra bông vào dịp Tết, khi cây không ra đúng thời điểm thì đổ lỗi cho khí hậu.
Tuy nhiên khí hậu chỉ là một yếu tố trong việc nuôi trồng Đỗ Quyên, vì nó đỏi hỏi nhiều kỹ thuật để có được một cây Đỗ Quyên ra bông đạt tiêu chuẩn. Cái đẹp của Đỗ Quyên khác với cái đẹp của hoa mơ, hoa mai. Vì hoa Đỗ Quyên là rực rỡ, là phải phủ hết tán. Vốn như câu chuyện trên; trước khi chết cũng thốt ra chút sinh lực cuối để gọi chồng, thì Đỗ Quyên cũng vậy, nó sẽ dùng tất cả những sinh lực có sẵn để cho ra bông, dẫu biết rằng sau khi hết bông, nó sẽ mất sức mà chết (dần). Bởi thế, khi ta chơi Đỗ Quyên là phải biết bồi đắp tích luỹ sinh lực cho cây, để cây tiếp tục mỗi năm cống hiến cho ta cái đẹp nhất, tình nhất, chung thuỷ nhất… đúng với danh vị “hoa của nghĩa phu thê”.
Thế nên, nếu muốn chậu Đỗ Quyên cho bông phủ tán lá thì bạn phải nắm vững một số căn bản; Đất, Rễ, Nước, Cắt, Tỉa. Chúng ta dư hiểu, Đỗ Quyên sống trong mỗi trường đất chua, sốp và thoáng, nên có rất nhiều giá thể trồng thích hợp, nhưng tiện lợi nhất vẫn là Kanuma. Khi nhắc đến vấn đề này, sẽ không ít kẻ tranh luận “chẳng cần Kanuma cũng trồng được Đỗ Quyên”. Vâng đúng thế, vì trước khi phát hiện ra loại đất này, người ta đã trồng được Đỗ Quyên hàng nhiều năm trước. Tuy nhiên với Kanuma thì sẽ giúp cho cuộc chơi thoải mãi hơn, bớt bận tâm hơn.
Rễ Đỗ Quyên là rễ tơ trắng, rất dễ bị gãy dập. Bởi vậy muốn tạo rễ mạnh cần phải có đất đủ sốp để khi rễ lớn mập không bị những giá thể cứng làm dập, do đó đất sốp như Kanuma là lựa chọn tốt nhất. Ngay dước gốc cây, có một vùng rễ chằng chịt đan vào nhau, nơi mà nước, ấm ẩm và không khí khó đến gần. Nơi tích tụ mọi năng lượng và sinh lực, hòng giúp cây có thể bừng lại sau mùa bông.
Để nuôi vùng rễ mạnh, cần phải lấy bỏ những giá thể (nếu có) quá ẩm và quá mịn, trồng vào chậu sâu, đáy chậu rải một lớp sỏi lớn để giúp thoáng, trên lớp sỏi là Kanuma với hạt lớn, vòng quanh thành và mặt chậu là cỡ hạt trung bình để duy trì độ ẩm (ẩm chứ không ướt).
Cây để vậy trong nhiều năm cho rễ phát triển, khi thấy được thì lấy ra mang vào chậu bonsai. Và tuyệt đối không được bới rễ ở đáy gốc, mà chỉ bới trên mặt, vòng quanh rồi dùng kéo cắt cho vừa, nếu rễ ở dưới quá dầy mà cần vô chậu cạn thì dùng kéo cắt chứ không được bới.
Bởi vì nước, không khí và dinh dưỡng sẽ chuyển xuống vòng quanh thành chậu, nơi đây sẽ phát rễ đầu tiên. Khi rễ không còn chỗ ở thành và đáy chậu thì chúng bắt đầu đâm vô giữa, nơi tối tăm lạnh khô nhất, những cọng rễ này chính là những cọng rễ sống còn của cây.
Phải hiểu rằng, những cọng rễ mọc ra đầu tiên ở thành chậu, sẽ bị chết đi khi khí hậu quá nóng hay quá lạnh. Thế nên những rễ thiệt thòi trui vào giữa, nơi thiếu thốn đủ mọi thứ lại là an toàn nhất. Nếu chúng ta bới cắt (ở giữa), thì những sinh lực của cây sẽ mất. Bởi vì như đã nói, Đỗ Quyên sẽ dùng hết sinh lực để phát hoa, và một khi rễ không còn để tái tạo sinh lực thì cây sẽ chết dần chết mòn… đó cũng là lý do cây bị chết sau vài năm.
Nước cũng đóng một vài trò quan trọng trong việc nuôi trồng. Chúng ta dư hiểu, Đỗ Quyên sống tốt trong môi trường pH từ 4.5 – 6.0. Và chất trồng tuy có đạt thang số nhưng nếu nguồn nước có quá nhiều kiềm sẽ ảnh hưởng môi trường pH trong chậu. Thế nên nguồn nước cũng cần phải dung hoà, chứ không phải nghe ai nói nước mưa, nước giếng tốt là dùng được.
Tôi có ông bạn nghe người ta mách nước mưa tốt, thế là hứng vào khạp để dành tưới cho cây. Một thời gian sau gọi tôi cầu cứu, vì những chậu Đỗ Quyên giá trị bị nấm bịnh, yếu dần, bỏ cành. Sau một thời gian tìm hiểu, nguồn nước mưa đo trong lu có pH là 7.8, sau khi đổi sang nước máy pha với giấm, cây bắt đầu hồi phục. Và cũng nhớ rằng, phân bón cũng làm thay đổi pH. Do đó tôi chỉ chọn những loại phân có acid cao để bón cho cây.
Cắt và tỉa là khâu cuối cùng để đạt thành quả cho cái gọi “bông phủ tán lá”. Đỗ Quyên cho dù cây yếu hay mạnh thì cũng vẫn cho bông, như người vợ dùng hết sinh lực cuối cùng để gọi chồng rồi tắt thở, đây là đặc tính của cây. Vậy bạn sẽ chẳng lạ nếu cây của bạn sẽ cho ra vài bông rồi chết dần chết mòn. Bởi thế bạn phải biết nuôi bộ rễ cho cây mạnh, và phải biết chặn năng lượng của cây đừng để hao phí qua việc cắt tỉa. Cũng giống như thông đen, khi năng lượng không được cân bằng thì chỗ mạnh sẽ ra chồi sớm hơn, tụ nụ sớm hơn, và nở cũng sớm hơn… loe ngoe vài bông. Đỗ Quyên khác thông đen ở chỗ là mạnh dưới yếu trên, nên cần phải duy tri phần ngọn mạnh mãi, vì tôi đã chứng kiên nhiền tác phẩm Đỗ Quyên tuyệt đẹp bị chết ngọn.
Để cho việc ra bông đồng đều, và tích luỹ năng lượng. Tôi sẽ hy sinh một năm, nghĩa là căn trước khi cây nở, cắt bỏ hết nụ. Tôi cắt toàn phần, nụ lớn hay nhỏ đều cắt, ngay cả chồi không có nụ cũng cắt. Khi cắt tôi sẽ chừa nhiều lá xanh ở phần yếu và ít lá ở phần mạnh. Sau khi cắt thì bón phân ngay, sau vài tuần ở mỗi vết cắt sẽ cho ra 2-3 chồi, những chồi này sẽ tụ nụ sau này.
Do cắt cùng thời điểm, nên chồi và nụ phát triển đồng đều, vậy khi nở bông sẽ cùng thời gian; không có chuyện lác đác vài bông trước bông sau (trừ cành yếu). Và trước 2 tháng khi cây nở bông, tôi lại tỉa bỏ những nơi có 3 nụ mà chỉ giữ 2 nụ đồng cỡ, hoặc nhiều khi chỉ một nụ nếu khoảng cách quá gần. Nếu bạn ham hố vài cái bông lác đác mà không chịu cắt, thì chẳng trách nào cây của bản chẳng bao giờ có hoa phủ tán.
Đỗ Quyên là một trong số ít loài cây có thể thay đất sau kỳ bông. Nghĩa là sau đợt bông, cắt tỉa uốn chỉnh rồi thay đất. Tuy nhiên nếu ở vùng có khí hậu ấm sớm, tức là tháng 1-2 bạn cũng có thể thay chậu. Tôi chọn thời điểm mùa Xuân để thay đất cho cây, vì sau thay đất cây vẫn còn khoảng thời gian 2-3 tháng mới nở bông. Nhưng nếu bạn ở vùng ấm chậm, nghĩa là tháng 3-4 mới ấm thì đừng thay đất vào mùa Xuân mà nên đợi sau mùa bông hãy thay… vì thời gian quá ngắn không đủ cho cây phục hồi trước khi nở bông.
Phân bón cho cây, tôi chọn những loại phân bánh dầu; rapeseed, cottonseed, hay bất kỳ loại phân nào làm từ thành phần hoa quả với lượng acid cao. Vì múc đích như đã nói ở trên rằng không muốn phân làm thay đổi môi trường pH trong chậu. Phân được bón sau mùa bông (nếu thay đất thì đợi một tháng), tôi bỏ phân vào túi trà và quăng trên mặt chậu, sau 6 tuần tôi bón thêm đợi hai rồi ngừng cho tới mùa Thu bón thêm một đợt nữa. Tới mùa Xuân, trước khi bông nở độ 2 tháng tôi bón thêm đợt thứ 3. Nếu là cây nhỏ cần lớn mạnh thì tôi bón quanh năm trừ những ngày quá nong hay quá lạnh.
Đỗ Quyên rất dễ bị nấm và sâu bọ. Một khi cây đã bị nấm thì chúng sẽ lây rất nhanh sang những cây khác trong vườn. Bởi thế tôi xịt thuốc nấm định kỳ theo mùa. Thuốc trị nấm là Daconil, còn thuốc trị sâu bọ thì bất kỳ loại nào có bán ngoài tiệm. Nên xịt vào chiều mát vì lá của Đỗ Quyên rất nhạy cảm.
Cám ơn các bạn đã theo dõi, mong rằng bài viết này sẽ góp ý được một số bạn, với hy vọng tôi được ngắm những tác phẩm đỗ quyên có bông phủ tán của quý bạn trong tương lai.